Con tằm

43


Ôi chao, phù hoa tự đại từ đâu ùa về!

William Shakespeare
Timon of Athens

Strike đi dọc theo phố Oxford đông người, ngang qua các cửa hàng bật nhạc Giáng Sinh chộn rộn, rồi rẽ vào con phố Dean hẹp và tĩnh lặng hơn. Ở đây không có hàng quán gì, chỉ những tòa nhà nguyên khối đứng cạnh nhau với những mặt tiền khác màu, hết trắng, đỏ đến nâu xám. Bên trong đó là các văn phòng, quán bar, quán bia hay những nhà hàng bình dân. Strike dừng lại, nhường đường cho người ta mang một thùng rượu từ xe tải đến cửa sau của nhà hàng. Ở Soho, nơi hội tụ giới nghệ sĩ, các công ty quảng cáo và nhà xuất bản, Giáng Sinh như cũng tinh tế hơn. Mà có lẽ không đâu tinh tế bằng câu lạc bộ Groucho.

Một tòa nhà xám, gần như không có gì nổi bật. Phía trước có những khung cửa sổ đen và chậu cây nhỏ đặt cạnh chấn song bao lơn đơn giản không hoa văn uốn vòng ra ngoài. Điểm nhấn của Groucho không phải ở mặt tiền, mà ở chuyện kén thành viên trong giới nghệ thuật. Strike tập tễnh bước qua bậc cửa, vào sảnh chờ nhỏ. Một cô gái đứng sau quầy nhã nhặn lên tiếng:

“Tôi có thể giúp gì cho ông?”

“Tôi có hẹn với Michael Fancourt.”

“À vâng, ông Strick phải không ạ?” “Đúng vậy,” Strike đáp.

Hắn theo cô gái vào một phòng bar dài. Khách uống rượu trưa ngồi kín trên ghế bọc da. Hai người đi lên cầu thang. Khi leo lên Strike nghĩ thầm, thời gian đào tạo của hắn ở Cục điều tra đặc biệt SIB không hề chuẩn bị cho tình huống phỏng vấn mà không có thẩm quyền, ở ngay lãnh địa của nghi can. Chưa hết, đối tượng phỏng vấn còn có quyền dừng cuộc mà không cần lý do hay xin lỗi gì cả. SIB đòi hỏi cán bộ điều tra phải sắp xếp trước hồ sơ câu hỏi tuần tự về con người, nơi chốn, đồ vật… Strike chưa bao giờ quên phương pháp mạch lạc, hiệu quả đó, nhưng trong những ngày này việc cực kỳ quan trọng với hắn là làm sao che giấu chuyện hắn đang kín đáo ghi nhớ câu trả lời. Với những kẻ luôn ở tư thế ban phát ơn huệ, hắn cần những kỹ thuật đối phó khác hẳn.

Hắn thấy ngay con mồi khi bước vào phòng bar thứ hai với sàn lót gỗ, ghế sofa màu cơ bản đặt dọc theo tường treo tranh các họa sĩ hiện đại. Fancourt đang ngồi chéo một bên trên chiếc trường kỷ màu đỏ rực, một cánh tay đặt sau thân ghế, một chân vắt lên cao, ra bộ thư thái. Một bức tranh chấm bi của Damien Hirst treo ngay đằng sau quả đầu quá khổ của Fancourt, tựa như vòng hào quang bằng đèn neon.

Nhà văn có mớ tóc ngả bạc còn rậm, nét mặt dày dạn, rãnh khóe mép sâu bên khuôn miệng rộng. Ông ta mỉm cười khi Strike tiến đến. Có lẽ chẳng phải kiểu mỉm cười dành cho một người được ông ta xem như ngang hàng (cứ nhìn là biết ngay, nhất là điệu bộ thư thái quá đà và bộ mặt sưng sỉa thường trực). Đó là cái mỉm cười nền nã dành cho kẻ ở chiếu dưới.

“Anh Strike.”

Dường như Fancourt chớm đứng dậy để bắt tay hắn, nhưng trong dáng bộ dềnh dàng của Strike có gì đó khiến những người đàn ông nhỏ con hơn không muốn rời chỗ ngồi. Hai người bắt tay qua chiếc bàn gỗ nhỏ. Không muốn ngồi cạnh Fancourt (thân mật quá mức cần thiết, nhất là khi ông nhà văn vẫn còn choàng tay sau lưng ghế), Strike đành ngồi xuống một chiếc ghế nệm tròn, vừa quá nhỏ lại vừa khiến hắn lấn cấn với cái chân đau.

Cạnh đó là một diễn viên đầu trọc chuyên đóng phim bộ, gần đây đóng vai lính trong phim truyền hình của đài BBC. Tay này đang lớn tiếng nói về mình với hai người nữa ngồi đó. Fancourt và Strike gọi đồ uống, nhưng từ chối thực đơn. Strike thấy nhẹ cả người khi Fancourt không thấy đói bụng. Hắn không thể đãi đằng ai ăn trưa nữa.

“Ông làm thành viên chỗ này bao lâu rồi?” hắn hỏi Fancourt, khi nhân viên đã rời đi.

“Từ hồi mở cửa. Tôi là nhà đầu tư thời đầu,” Fancourt đáp. “Câu lạc bộ duy nhất tôi dùng. Nếu cần tôi có thể ngủ lại qua đêm. Trên lầu có phòng sẵn.”

Fancourt nhìn Strike, cái nhìn chăm chú đầy chủ ý.

“Tôi rất mong gặp anh. Nhân vật chính trong tiểu thuyết tiếp theo của tôi là cựu chiến binh của cái gọi là cuộc chiến chống khủng bố và những hệ quả súng đạn của nó. Tôi rất muốn nghe ý anh, một khi việc của Owen Quine đã xong.

Strike cũng có biết đôi chút về ngón nghề của giới tiếng tăm. Rick, cha của Lucy là một nghệ sĩ guitar. Rick không nổi tiếng bằng cha của Strike hay Fancourt, nhưng cũng đủ đình đám để khiến cho một bà sồn sồn phải há hốc miệng, run rẩy khi thấy ông ta xếp hàng mua kem ở St. Mawes – “Ôi lạy Chúa – anh làm gì ở đây vậy?” Rick từng thổ lộ với Strike khi hắn còn là cậu nhóc choai choai, cách nhanh nhất để đưa phụ nữ lên giường là hót rằng mình đang viết một bài hát cho nàng. Lời mời mọc của Fancourt nghe cũng không khác mấy với chiêu đó. Rõ là Fancourt không biết rằng Strike đâu có xa lạ gì với tiếng tăm, mà cũng không hề có nhu cầu nổi tiếng. Hắn gật đầu cho có lệ, rồi rút sổ ghi chép ra.

“Ông có phiền không nếu tôi dùng cái này? Để khỏi sót ấy mà.”

“Anh cứ tự nhiên,” Fancourt đáp, vẻ thích thú. Ông ta thảy tờ báo Guardian đang đọc dở qua một bên. Strike thấy trên đó có ảnh một ông cụ già khúm, nhưng trông có số má. Mặc dù nhìn ngược hắn vẫn thấy ông cụ khá quen. Dưới ảnh ghi: Pinkelman chín mươi tuổi.

“Cụ Pinks đó,” Fancourt lên tiếng khi nhận ra hướng nhìn của Strike. “Tuần tới tụi tôi sẽ tổ chức tiệc cho cụ ở Chelsea Arts Club.”

“Vậy sao?” Strike đáp, lần mò tìm cây viết.

“Cụ biết ông bác tôi. Hai người cùng tham gia nghĩa vụ một lần,” Fancourt kể. “Khi tôi viết tiểu thuyết đầu tay, Bellafront ấy, tôi vừa chân ướt chân ráo tốt nghiệp Oxford, ông bác tội nghiệp, nóng lòng giúp cháu, nên gởi một bản thảo cho Pinkelman, cũng nhà văn duy nhất mà bác từng quen biết.”

Fancourt nói năng điềm đạm, mực thước, như thể luôn thường trực một bên thứ ba vô hình đang chăm chú ghi lại từng từ. Câu chuyện nghe như được dợt trước, như thể ông nhà văn từng kể nhiều lần, mà có lẽ đúng vậy thật; Fancourt được phỏng vấn liên tục mà.

“Pinkelman khi đó là tác giả của bộ Cuộc phiêu lưu vĩ đại của Bunty, một tác phẩm thuộc hàng kinh điển. Thế nhưng cụ đọc sách tôi mà chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cả,” Fancourt tiếp, “nhưng để vui lòng ông bác tôi, cụ đã gởi thẳng bản thảo đến nhà xuất bản Chard Books, nơi nó may mắn rơi ngay lên bàn người duy nhất ở đó có khả năng hiểu được.”

“Hay thế,” Strike nói.

Nhân viên phục vụ trở lại với rượu cho Fancourt và cốc nước lọc cho Strike.

“Vậy,” tay thám tử tiếp, “ông đã giới thiệu Pinkelman cho người đại diện tác giả của mình, như một cách trả nghĩa?”

“Đúng thế,” Fancourt nói, gật đầu, kẻ cả như kiểu thầy giáo khen ngợi học sinh đã chịu khó lắng nghe. “Lúc đó đại diện tác giả của Pinks cứ liên tục ‘quên’ trả tiền tác quyền cho cụ. Nói gì thì nói, Elizabeth Tassel là người trung thực – là nói trong chuyện làm ăn, bà ấy rất trung thực,” Fancourt sửa lại, nhấp ngụm rượu.

“Bà ấy cũng sẽ đến dự tiệc của Pinkelman chứ?” Strike hỏi, quan sát phản ứng của Fancourt. “Bà ấy vẫn đại diện cho cụ mà, đúng không?”

“Liz có tới hay không cũng chẳng can hệ gì đến tôi cả. Bà ấy vẫn nghĩ tôi còn căm bà ấy lắm sao?” Fancourt hỏi, cười khẩy. “Tôi không rảnh mà đi so đo với Liz Tassel.”

“Tại sao bà ấy không chịu đá Quine khi ông đề nghị?” Strike hỏi.

Strike thấy hắn chẳng việc gì phải vòng vo với một người vừa gặp vài giây đã tuyên bố muốn lợi dụng hắn.

“Không có chuyện tôi đề nghị bà ấy bỏ Quine,” Fancourt đáp, vẫn dìu dặt, đủng đỉnh, như để cho tay thư ký vô hình đó kịp ghi lại. “Tôi đã giải thích rằng tôi không thể ở lại chỗ Liz nếu Quine cũng ở đó, rồi ra đi.”

“Tôi hiểu rồi,” Strike đáp, hắn đã quá quen với kiểu ăn nói sợi tóc chẻ tư. “Vậy ông nghĩ tại sao mà bà ấy lại để ông đi? Chẳng phải ông rõ là con cá lớn hơn hay sao?”

“Tôi nghĩ ở đây ta có thể nói rằng, tôi là cá nhồng còn Quine thuộc loại cá gai,” Fancourt cười khinh khỉnh, “nhưng, anh hiểu cho, Liz và Quine lúc đó ăn nằm với nhau.”

“Thật sao? Tôi không biết chuyện đó,” Strike đáp, bấm ngòi bút bi xuống.

“Hồi Liz mới vào Oxford,” Fancourt kể, “khi đó còn là thanh nữ phơi phới, từng giúp cha thiến trâu bò đủ kiểu trên các nông trại miền bắc. Liz thèm có người cưa cẩm lắm, nhưng chẳng ai rủ lòng. Bà ấy mê tôi, mê lắm đấy – tụi tôi học chung một nhóm mà, suốt ngày nói chuyện kịch nghệ thời James I với đủ món giường chiếu bùi tai đàn bà con gái – nhưng tôi chưa bao giờ thấy mủi lòng đến độ muốn dìu Liz vào đời. Tôi với bà ấy chỉ là bạn thôi,” Fancourt tiếp, “rồi bà ấy mở văn phòng đại diện tác giả, tôi giới thiệu Quine về đó. Quine thì xưa nay có tiếng ăn tạp, ai cho là nhận thôi, là nói về chuyện kia. Kết cục không tránh được.”

“Rất thú vị,” Strike đáp. “Vụ này nhiều người biết không?”

“Tôi không nghĩ thế,” Fancourt đáp. “Khi đó Quine đã lấy vợ, lấy… chính nữ sát thủ xử ông ấy như giờ ta đã biết, nhỉ?” ông nhà văn trầm ngâm. “Hẳn ‘nữ sát thủ’ phải gần gũi hơn cả ‘vợ’, đúng không? Với cả, kiểu gì mà Liz lại không dằn mặt, hù dọa trước, để Quine kìm bớt cái thói ruột để ngoài da. Liz không muốn lộ ra chuyện kia của mình, nhỡ đâu tôi vẫn còn hứng thú với bà ấy.”

Đây chỉ là thói hợm hĩnh đến mờ mắt của Fancourt, hay đúng là sự thật, hay cả hai? Strike nghĩ thầm.

“Bà ấy cứ hay giương đôi mắt bò nhìn tôi mà chờ đợi, hi vọng…” Fancourt kể tiếp, bĩu môi trông ang ác. “Sau khi Ellie mất bà ấy hiểu ra rằng tôi sẽ không chiều bà ấy, ngay cả khi đang đau đớn tột cùng như thế. Tôi nghĩ bà ấy không chịu được cái ý nghĩ hàng chục năm tới cũng phải vò võ một mình, vậy là bà ấy chọn Quine.”

“Sau khi bỏ văn phòng của Tassel ông có bao giờ nói chuyện lại với Quine không?” Strike hỏi.

“Cả mấy năm sau khi Ellie mất hễ cứ thấy tôi vào quán nào là ông ấy lủi đi,” Fancourt đáp. “Mãi sau mới có gan ngồi chung một nhà hàng, lâu lâu lại lấm lét nhìn. Không, tôi không nghĩ là đã nói chuyện với Quine từ dạo đó,” Fancourt nói, như thể chuyện chẳng đáng gì. “Anh bị thương ở Afghanistan, nếu tôi không lầm?”

“Đúng thế,” Strike vắn tắt.

Cái kiểu nhìn chăm chú đầy tính toán thế kia hẳn rất có tác dụng với phụ nữ, Strike nghĩ thầm. Có lẽ Owen Quine từng nhìn Kathryn Kent và Pippa Midgley đắm đuối, hau háu như ma cà rồng khi ông ta nói rằng sẽ đưa hai người vào Bombyx Mori… và rồi cả hai khi đó đã sung sướng nghĩ rằng một phần của mình, của cuộc đời mình sẽ vĩnh viễn được bảo toàn trong thứ hổ phách ngôn từ của nhà văn…

“Anh làm sao mà bị thương vậy?” Fancourt hỏi, mắt nhìn chân Strike.

“Trúng mìn tự chế,” Strike đáp. “Còn cái nhà ở phố Talgarth thì sao? Ông và Quine là đồng sở hữu. Ông chưa bao giờ phải nói chuyện nhà cửa với Quine hay sao? Hai người có bao giờ tình cờ gặp ở đó không?”

“Không bao giờ.”

“Chẳng lẽ ông không bao giờ ghé qua xem thử hay sao? Ông sở hữu ngôi nhà đó, cũng phải…?”

“Hai mươi, hai mươi lăm năm, khoảng chừng đó,” Fancourt thờ ơ đáp. “Không, từ khi Joe mất tôi chưa bao giờ ghé lại đó.”

“Hẳn bên cảnh sát có nhắc đến nhân chứng khai rằng đã thấy ông ở đó hôm ngày tám tháng mười một?”

“Có,” Fancourt đáp, ngắn gọn. “Bà ấy nhìn nhầm.” Ở bàn bên cạnh tay diễn viên vẫn say sưa nói.

“… cứ tưởng là dính rồi, không biết phải chạy về phía quái nào… cát vào đầy mắt…”

“Vậy từ năm tám sáu tới giờ ông chưa bao giờ ghé qua đó?”

“Chưa,” Fancourt đáp, vẻ mất kiên nhẫn. “Cả Owen và tôi đều không hề muốn căn nhà đó.”

“Tại sao không?”

“Vì Joe bạn của tụi tôi đã chết ở đó, trong hoàn cảnh cực kỳ bần hàn. Ông ấy ghét bệnh viện, không thèm thuốc thang gì cả. Khi Joe đã mê man, căn nhà vô cùng gớm ghiếc còn Joe, người từng được xem như hiện thân của thần Apollo, chỉ còn là da bọc xương, da của ông ấy… một kết cục tồi tệ,” Fancourt nói, “còn tồi tệ hơn khi Daniel Ch…”

Vẻ mặt Fancourt cứng lại. Bộ hàm động đậy, kỳ cục như thể đang nhai nuốt những từ chưa kịp nói. Strike chờ đợi.

“Một người rất hay ho, Dan Chard ấy,” Fancourt nói, rõ là đang cố sức xoay chuyển tình thế – một thứ ngõ cụt mà mình đã tự đâm đầu vào. “Tôi nghĩ nhân vật của Chard trong Bombyx Mori là một cơ hội bị bỏ lỡ – nhưng rõ là các học giả tương lai sẽ không tìm đến Bombyx Mori vì thủ pháp khắc họa nhân vật tinh tế, nhỉ?” ông nhà văn nói thêm, lại cười đểu.

“Vậy nếu là ông viết, thì ông sẽ xử lý ra sao?” Strike hỏi, Fancourt có vẻ ngạc nhiên. Sau một lát cân nhắc, ông ta đáp:

“Dan là người bất đắc chí nhất mà tôi từng gặp. Ông ấy làm việc trong một lĩnh vực mà mình có năng lực nhưng lại không hạnh phúc. Ông ấy khao khát cơ thể của trai trẻ nhưng không thể làm được gì ngoại trừ vẽ lại. Dan đầy ức chế, ghê tởm chính mình, vì vậy mà ông ấy phản ứng lại Quine một cách thiếu khôn ngoan, đầy kích động như thế. Dan đã phải núp váy bà mẹ quảng giao, quái dị, luôn muốn đẩy cậu con cả thẹn bẩm sinh ra gánh vác cơ nghiệp. Tôi nghĩ,” Fancourt tiếp, “tôi đã có thể viết ra được thứ gì đó thú vị từ những chất liệu ấy.”

“Tại sao Chard từ chối xuất bản sách của North?” Strike hỏi.

Fancourt lại làm điệu bộ nhai như lúc nãy, rồi nói:

“Tôi thích Daniel Chard, anh biết không.”

“Tôi cứ nghĩ giữa hai người hẳn đã có hiềm khích trong quá khứ.” Strike nói.

“Tại sao anh nghĩ vậy?”

“Ông nói rằng ông ‘không nghĩ có ngày lại đứng đây’ khi phát biểu ở tiệc sinh nhật của Roper Chard.”

“Anh dự bữa đó sao?” Fancourt hỏi lại ngay. Strike gật đầu. Ông ta tiếp: “Vì sao?”

“Lúc đó tôi đang đi tìm Quine,” Strike đáp. “Vợ ông ấy thuê tôi đi tìm.”

“Nhưng như ta đã biết, khi đó bà ấy đã biết Quine ở đâu.”

“Không,” Strike nói, “Tôi không nghĩ bà ấy biết.”

“Anh thực sự tin vậy sao?” Fancourt hỏi, cái đầu quá khổ nghiêng về một bên.

“Vâng, tôi tin vậy,” Strike đáp.

Fancourt nhướng mày, nhìn Strike trân trối như thể hắn là một món đồ chưng trong tủ kệ.

“Vậy ông không bất mãn gì với Chard khi ông ấy từ chối in sách của North hay sao?” Strike hỏi, trở lại vấn đề chính.

Fancourt im lặng một lúc rồi nói:

“Đương nhiên tôi có bất mãn. Anh phải hỏi Dan nếu anh muốn biết đích xác vì sao lúc đó ông ấy đổi ý, không muốn in sách nữa. Nhưng tôi nghĩ là vì khi đó báo chí bắt đầu râm ran chuyện bệnh tật của Joe, kích động tâm lý của giới bình dân Anh quốc về một cuốn sách sa đọa sắp được xuất bản. Dan trước đó vẫn chưa biết rằng Joe đã chuyển sang giai đoạn Aids. Dan hoảng cả lên. Ông ấy không muốn dính gì đến mấy chi tiết nhà tắm đồng tính nọ kia hay Aids iếc gì cả, vậy là ông ấy nói với Joe rằng mình đã đổi ý, không muốn in sách nữa. Một hành động hèn nhát cực độ, Owen và tôi…”

Fancourt lại ngừng. Lần cuối cùng ông ta đặt mình đứng cạnh Quine một cách thiện chí là khi nào?

“Owen và tôi tin rằng chính việc đó đã giết chết Joe. Ông ấy không cầm nổi cây bút, gần như đã mù lòa, nhưng vẫn cố hết sức để viết cho xong trước khi chết. Tụi tôi hiểu Joe khi đó chỉ cố sống vì muốn viết. Rồi Chard gởi thư đến, yêu cầu hủy hợp đồng; Joe dừng viết và chỉ trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau đó thì chết hẳn.”

“Cũng có nét tương đồng,” Strike nói, “với chuyện người vợ đầu của ông.”

“Hai việc không hề giống nhau,” Fancourt nói, bình thản.

“Tại sao không?”

“Sách của Joe hay hơn bội phần.” Rồi lại im lặng, lần này lâu hơn.

“Đó là chỉ nói về khía cạnh,” Fancourt tiếp, “văn chương thuần túy. Đương nhiên, cũng còn nhiều khía cạnh khác.”

Fancourt uống cạn ly rượu rồi đưa tay lên, ra hiệu với nhân viên pha chế gọi một ly nữa. Tay diễn viên ngồi cạnh vẫn nói liên tu bất tận, gần như chưa nghỉ lấy hơi.

“… nói là ‘dẹp quách sáng tạo kiểu đó đi, ông muốn tôi làm gì, cưa mẹ nó tay luôn à?’”

“Hẳn thời gian đó rất khó khăn với ông” Strike nói.

“Đúng vậy,” Fancourt khó chịu ra mặt. “Dùng từ đó cũng chẳng sai.”

“Ông mất đi một người bạn tốt, rồi mất vợ chỉ trong… bao nhiêu tháng nhỉ?”

“Chỉ trong vài tháng, đúng thế.”

“Trong thời gian đó ông vẫn viết sách à?”

“Vâng,” Fancourt đáp, bật cười vừa giận dữ vừa kẻ cả, “Tôi vẫn viết trong suốt thời gian đó đấy. Nghề của tôi mà. Liệu có ai dám hỏi anh là anh vẫn đi lính khi gặp chuyện khó khăn trong đời tư không?”

“Chắc không,” Strike đáp, không chấp gì. “Khi đó ông đang viết cuốn nào vậy?”

“Cuốn đó không xuất bản. Tôi bỏ giữa chừng để viết cho xong sách của Joe.”

Nhân viên phục vụ đặt ly rượu thứ hai xuống trước mặt Fancourt rồi đi ra.

“Sách của ông North có cần sửa lại nhiều không?”

“Hầu như không sửa gì cả,” Fancourt đáp. “Ông ấy là một cây bút xuất sắc. Tôi chỉ chỉnh gọn vài chỗ, rồi chuốt lại cái kết. Joe đã cẩn thận ghi chú cả cách ông ấy muốn sửa bản thảo. Rồi tôi mang bản thảo đến chỗ Jerry Waldegrave, khi đó làm cho Roper.”

Strike vẫn còn nhớ Chard đã nói gì về chuyện Fancourt dan díu với vợ của Waldegrave. Hắn thận trọng hỏi tiếp.

“Trước đó ông đã làm việc với Waldegrave bao giờ chưa?”

“Tôi chưa bao giờ làm trực tiếp với Waldegrave nhưng có nghe tiếng ông ấy là biên tập mát tay, tôi biết là ông ấy sẽ thích

Joe. Tụi tôi cùng hợp tác làm cuốn Tới hạn.”

“Ông ấy làm cuốn đó thành công, nhỉ?”

Chút giận dữ của Fancourt đã bay mất. Giờ đây trông ông ta dường như còn thích thú trước câu hỏi của Strike.

“Ừ,” ông nhà văn đáp, nhấp thêm một ngụm rượu. “Làm rất tốt.”

“Nhưng bây giờ ông lại không muốn làm việc với Waldegrave, sau khi đã chuyển về Roper Chard?”

“Thật tình là không,” Fancourt nói, vẫn mỉm cười. “Tay đó dạo này uống nhiều lắm.”

“Ông nghĩ Quine đem Waldegrave vào Bombyx Mori vì lý do gì?”

“Làm thế nào mà tôi biết được?”

“Waldegrave dường như rất tử tế với Quine. Thật khó hiểu tại sao Quine lại muốn công kích ông ta.”

“Vậy sao?” Fancourt hỏi, nhìn Strike thật kỹ.

“Những người tôi đã phỏng vấn đều nghĩ khác về nhân vật sát thủ Cutter trong Bombyx Mori.”

“Thật sao?”

“Hầu hết đều thấy bất bình vì Quine chĩa mũi dùi vào Waldegrave. Họ không hiểu Waldegrave đã làm gì để bị đối xử như thế. Daniel Chard cho rằng nhân vật sát thủ Cutter cho thấy Quine thực ra có đồng lõa,” Strike nói.

“Vậy ông ấy nghĩ ai đi tiếp tay cho Quine viết Bombyx Mori?” Fancourt hỏi, bật cười chóng vánh.

“Chard có nghi ngờ một người,” Strike đáp. “Trong khi đó Waldegrave lại nghĩ rằng sát thủ Cutter thực ra nhắm tới chính ông.”

“Nhưng tôi là Đại văn hào Vainglorious đỉnh đỉnh đại danh mà,” Fancourt mỉm cười. “Ai chẳng biết.”

“Vậy tại sao Waldegrave lại nghĩ rằng Cutter thực ra là nói về ông?”

“Anh đi mà hỏi Jerry Waldegrave,” Fancourt đáp, vẫn mỉm cười. “Nhưng tôi e rằng anh đang nghĩ là anh đã có sẵn câu trả lời. Để tôi nói anh biết: Quine đã sai, sai rồi… đáng ra ông ấy phải biết chứ.” Tắc tị.

“Vậy là trong chừng đó năm ông vẫn không thể bán được cái nhà ở phố Talgarth?”

“Rất khó tìm đúng người mua thỏa mãn được điều khoản trong di chúc của Joe. Joe hơi bị bốc đồng. Ông ấy là một người rất lý tưởng, rất lãng mạn.

“Tôi đã trải lòng hết trong cuốn Ngôi nhà hoang hốc – về di sản, gánh nặng, nỗi buồn thấm thía trong chúc thư của Joe,” Fancourt tiếp, không khác mấy cách giảng viên đang giới thiệu tài liệu đọc thêm. “Owen cũng đã góp chuyện,…” Fancourt tiếp, nét cười đểu thoáng qua trên gương mặt, “bằng cuốn Anh em nhà Balzac.”

“Cuốn Anh em nhà Balzac nói về căn nhà ở phố Talgarth sao?” Strike hỏi, hắn không nhặt ra được ám chỉ đó qua năm chục trang đã đọc.

“Lấy bối cảnh ở đó. Thực tế là về mối quan hệ giữa ba chúng tôi,” Fancourt đáp. “Joe chết trong góc phòng, còn tôi và Owen cố tiếp bước ông ấy, cố hiểu cho được cái chết của Joe. Bối cảnh câu chuyện ngay trong studio nơi… tôi nhớ có đọc là… anh đã tìm ra xác Quine?”

Strike không nói gì, tiếp tục ghi chép.

“Nhà phê bình Harvey Bird bình là Anh em nhà Balzac khiến ta phải rúm ró người, há hốc mồm thắt cả ruột vì quá dở.”

“Tôi chỉ nhớ là có khá nhiều màn nắn bi nọ kia,” Strike đáp. Fancourt bỗng bật ra một tiếng cười tự nhiên, khúc khích như con gái.

“Anh đọc rồi sao? Đúng vậy, Owen luôn ám ảnh chuyện hai hòn.”

Tay diễn viên ngồi cạnh cuối cùng cũng chịu nghỉ lấy hơi. Mấy tiếng Fancourt vừa thốt ra vang vọng trong sự im lặng tạm thời. Strike nhe răng cười khi tay diễn viên và hai người ngồi cùng bàn cùng quay lại nhìn Fancourt, ông nhà văn chỉ đáp lại bằng cái cười chua chát đặc sản của mình. Ba người hàng xóm lại tiếp tục tất bật câu chuyện riêng.

“Ông ấy có một cái idée fixe rất rõ,” Fancourt tiếp, quay nhìn Strike. “Có gì đó rất Picasso, anh hiểu không, với ông ấy, hai hòn cũng chính là cội nguồn sức sáng tạo. Trong cuộc sống lẫn trong công việc, Owen bị ám ảnh bởi những thứ như nam tính, cường dương, phồn thực. Có người sẽ nói rằng quả là một định kiến lạ lùng, nhất là ở một người đàn ông vốn thích bị trói lại, bị khống chế… nhưng tôi lại hiểu đó là một hệ quả tất yếu… hai mặt âm dương trong cái bản ngã dục tính của Quine. Hẳn anh đã để ý đến tên nhân vật trong cuốn sách?”

“Vas và Varicocele,” Strike đáp. Hắn thấy ông nhà văn có chút ngạc nhiên, lẽ nào một tay trông như Strike mà cũng đọc sách, lại còn nhớ nội dung sách nữa.

“Vas – Quine – ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn ra đến dương vật – nguồn lực sáng tạo, mạnh mẽ, khỏe khoắn. Varicocele – chứng giãn tĩnh mạch tinh, có thể dẫn đến vô sinh. Một cách nói cạnh khóe khá là thô thiển của Quine về chuyện sau khi Joe mất tôi bị bệnh quai bị, thực tình là ốm đến nỗi không dự đám tang được, nhưng cũng đá luôn đến chuyện là, như anh đã chỉ ra, khi đó tôi đang viết sách trong hoàn cảnh rất khó khăn.”

“Khi đó hai người vẫn còn là bạn sao?” Strike hỏi lại.

“Khi Quine bắt đầu viết cuốn đó, tụi tôi vẫn là bạn, về mặt lý thuyết mà nói,” Fancourt đáp, mỉm cười u ám. “Nhưng dân văn chương là cái giống máu lạnh, anh Strike à. Nếu anh muốn có tình bạn suốt đời, muốn có bằng hữu sống chết vì nhau thì nên gia nhập quân đội, học cách giết chóc. Còn nếu anh muốn cả đời cứ dây dưa tạm thời với những kẻ chỉ đợi mình thất bại để hí hửng, thì hẵng viết tiểu thuyết.”

Strike mỉm cười. Fancourt tiếp, vẻ khoái trá lạnh lùng:

Anh em nhà Balzac nhận được những bài điểm sách chê bai gay gắt nhất mà tôi từng thấy.”

“Ông có viết về cuốn đó không?”

“Không,” Fancourt đáp.

“Lúc đó ông vẫn còn sống với người vợ đầu?” Strike hỏi.

“Đúng vậy,” Fancourt đáp. Vẻ mặt ông nhà văn thay đổi nhanh chóng, như thể một con thú khẽ rùng mình khi có ruồi đậu vào be sườn.

“Tôi chỉ cố hiểu hết trình tự thời gian sự việc – không lâu sau khi North mất thì ông cũng mất vợ, đúng không?”

“Những uyển ngữ dành cho cái chết thật thú vị, nhỉ?” Fancourt nhẹ nhàng đáp. “Tôi không hề ‘mất’ bà ấy. Ngược lại, tôi đã vấp ngay xác bà ấy trong căn bếp tối tăm, sau khi bà ấy đưa đầu vào lò nướng.”

“Tôi rất tiếc,” Strike lịch sự nói.

“Vâng, ừ thì…”

Fancourt lại gọi đồ uống. Strike thấy rõ rằng cuộc trò chuyện đã đến giai đoạn khó đoán, lúc này hắn có thể điểm đúng huyệt, tha hồ moi thông tin, hoặc cũng có thể khiến đối tượng không muốn nói gì nữa.

“Ông có bao giờ nói chuyện với Quine về bài nhại đã khiến vợ ông tự tử không?”

“Tôi đã nói với anh rồi, sau khi Ellie mất tôi chưa bao giờ nói năng gì với ông ấy cả,” Fancourt điềm tĩnh. “Vậy nên câu trả lời là không,”

“Nhưng ông chắc là chính Quine viết bài đó?”

“Không còn nghi ngờ gì cả. Như nhiều nhà văn thiếu vốn, Quine thực ra lại rất giỏi viết bài nhại. Tôi nhớ ông ấy từng giễu văn của Joe, khá là hài hước. Ông ấy không dại gì mà trêu Joe công khai, bởi cặp kè với tụi tôi Quine được lợi khá nhiều.”

“Có người nào thừa nhận từng đọc bài nhại đó trước khi nó được in ra không?”

“Không ai nói gì với tôi cả, nhưng tôi rất ngạc nhiên nếu có người dám thừa nhận như thế, nhất là khi nghĩ đến hậu quả kinh khủng ấy. Liz Tassel phủ nhận với tôi chuyện Owen từng đưa cho bà ấy xem, nhưng tôi có nghe phong thanh rằng bà ấy đã được đọc trước. Tôi chắc rằng chính Tassel xúi Quine công bố bài đó. Liz ghen với Ellie muốn điên mà.”

Fancourt dừng một lúc, rồi tiếp tục câu chuyện, ra bộ thư thả:

“Tưởng chừng như không còn nhớ nổi cái thời phải chờ bài điểm sách giấy trắng mực đen mới biết mình bị tẩn ra sao. Nhờ có internet, đứa ngớ ngẩn tay mơ nào cũng có thể thành Michiko Kakutani.”

“Quine luôn phủ nhận là chính mình viết bài đó, phải không?” Strike hỏi.

“Đúng vậy, thật là đồ chó đẻ hèn nhát,” Fancourt nói, dường như không để ý đến ngôn từ có phần khiếm nhã, “như mấy kẻ nổi loạn tự phong khác, Quine cả đời ganh đua, tị hiềm, lúc nào cũng thèm được nịnh bợ. Ông ấy sợ sẽ bị tẩy chay sau khi Ellie mất. Đương nhiên,” Fancourt tiếp, tự đắc không lẫn vào đâu được, “làm sao mà thoát. Owen từng được khá nhiều tiếng tăm kiểu ăn theo, do cặp kè với tôi và Joe, làm thành một bộ ba trong văn chương. Khi Joe qua đời, rồi tôi cắt đứt quan hệ, Owen mới hiện nguyên hình: một thằng đàn ông có trí tưởng tượng bẩn thỉu cộng với một phong cách viết cũng thú vị, nhưng không bao giờ nghĩ ra được thứ gì sạch sẽ. Vài nhà văn,” Fancourt tiếp, “dường như cả đời chỉ viết được một cuốn tử tế. Owen là kiểu nhà văn như thế. Nói theo kiểu Owen, ông ấy đã thọt được một nhát với Tội lỗi của Hobart. Những món sau này chỉ là xào đi nấu lại vô nghĩa.”

“Chẳng phải ông từng nói rằng ông nghĩ Bombyx Mori là ‘một kiệt tác của kẻ loạn trí’ đó sao?”

“Anh có đọc bài đó à?” Fancourt đáp, hơi có vẻ ngạc nhiên, tự đắc. “Thì đúng là vậy, một món văn chương lạ lùng, Tôi chưa bao giờ phủ nhận chuyện Owen có khả năng viết, anh biết đó, chỉ là ông ấy chưa bao giờ bói ra được cái gì sâu sắc hay thú vị để mà viết. Kiểu nhà văn như thế nhan nhản ra. Nhưng với Bombyx Mori, Quine cuối cùng cũng tìm được chủ đề, phải vậy không? Ai cũng ghét tôi, ai cũng chống lại tôi, tôi là thiên tài mà không ai nhận ra. Một kết cục kỳ quặc và nực cười, cả cuốn sách sặc mùi chua chát, thương thân trách phận nhưng cũng lôi cuốn không thể chối cãi. Còn ngôn ngữ trong sách,” Fancourt tiếp, dường như nhiệt tình nhất kể từ khi bắt đầu câu chuyện, “rất đáng khen. Nhiều đoạn thuộc loại hay nhất mà ông ấy viết được từ xưa đến giờ.”

“Những chuyện này rất có ích,” Strike nói.

Fancourt dường như thấy buồn cười.

“Thế nào kia?”

“Tôi nghĩ có lẽ Bombyx Mori có vai trò vô cùng quan trọng trong vụ án này.”

“Vụ án?” Fancourt lặp lại, mỉm cười. Im lặng trong giây lát. “Anh nói nghiêm túc đấy chứ, anh nghĩ rằng kẻ giết Quine vẫn chưa mắc lưới sao?”

“Vâng, tôi nghĩ vậy,” Strike đáp.

“Vậy thì,” Fancourt tiếp, cười rộng miệng hơn, “phân tích sách của sát thủ sẽ có ích hơn mổ xẻ sách của nạn nhân chứ?”

“Có thể,” Strike đáp, “nhưng ta không biết liệu sát thủ có viết sách không.”

“Ôi dào, thời buổi này ai mà chẳng viết,” Fancourt đáp. “Cả thế giới viết tiểu thuyết, nhưng chẳng ai đọc cả.”

“Tôi chắc chắn là người ta sẽ đọc Bombyx Mori, nhất là nếu có ông viết lời tựa,” Strike nói.

“Tôi nghĩ anh nói đúng đấy,” Fancourt đáp, căng miệng rộng hơn nữa.

“Chính xác là ông đọc bản thảo lần đầu tiên khi nào?”

“Khoảng chừng… để tôi nghĩ…”

Fancourt dường như đang tính toán gì đó trong đầu.

“Mãi tới khi, à, khoảng giữa tuần, sau khi Quine tung ra bản thảo,” Fancourt đáp. “Dan Chard gọi cho tôi, nói là Quine cố bóng gió rằng chính tôi viết bài nhại sách của Ellie, rồi muốn thuyết phục tôi lấy pháp luật ra mà trị Quine. Tôi từ chối.”

“Chard có đọc đoạn nào cho ông nghe không?”

“Không,” Fancourt đáp, lại mỉm cười. “Sợ mất đi ngôi sao vừa tậu được, anh hiểu đó. Không, ông ấy chỉ đơn giản là kể lại lời vu khống của Quine, rồi nói nếu muốn tôi cứ dùng luật sư của ông ấy.”

“Chard gọi khi nào vậy?”

“Vào hôm tối ngày… bảy, chắc vậy,” Fancourt nói. “Tối Chủ Nhật.”

“Tức là cùng ngày ghi hình phỏng vấn ông về cuốn tiểu thuyết mới,” Strike nói.

“Anh rất rõ chuyện,” Fancourt đáp, mắt nhíu lại.

“Tôi có xem chương trình đó.”

“Anh biết không,” Fancourt lên tiếng, thoáng chút châm chích mai mỉa, “anh không có vẻ ngoài của một người thưởng thức các chương trình nghệ thuật.”

“Tôi đâu có nói là thưởng thức,” Strike đáp, cũng chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Fancourt dường như thích thú trước phản ứng của hắn. “Nhưng tôi để ý thấy ông nói nhầm tên bà vợ đầu trước máy quay.”

Fancourt không nói gì, chỉ cầm ly rượu lặng lẽ quan sát Strike.

“Ông nói là “Eff” rồi tự sửa mình, nói lại thành ‘Ellie’,” Strike tiếp.

“Thì, như anh đã nói… tôi nói nhầm. Ai ăn nói lưu loát đến mấy cũng có lúc thế.”

“Trong cuốn Bombyx Mori, người vợ quá cố của ông…”

“… được đặt tên là ‘Effigy’.”

“Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên,” Strike nói.

“Rõ là vậy,” Fancourt đáp.

“Bởi vì vào ngày mùng bảy ông vẫn chưa thể nào biết được Quine gọi bà ấy là Effigy.”

“Đương nhiên là không.”

“Người tình của Quine được gởi một bản thảo nhét qua khe bỏ thư trên cửa, ngay sau khi ông ấy mất tích,” Strike nói. “Ông không nhận được bản nào sớm hơn chăng?”

Sự im lặng sau đó dường như dài quá mức. Strike cảm nhận rõ sợi chỉ mong manh mà hắn đã dệt được giữa hai người vừa đứt phựt. Cũng chẳng sao. Hắn đã dành câu hỏi này đến phút cuối.

“Không,” Fancourt đáp. “Không có.”

Ông nhà văn rút ví ra. Ý định muốn đàm đạo với Strike về nhân vật trong cuốn tiểu thuyết sắp đến dường như đã bị bỏ bẵng. Strike cũng chẳng thấy tiếc gì. Hắn rút ra mấy tờ tiền mặt, nhưng Fancourt đã đưa tay lên rồi nói, vẻ phật ý không lẫn vào đâu được:

“Không, không, để tôi. Báo chí đã nói khá nhiều về gia cảnh của anh hiện nay. Đến nỗi khiến tôi nghĩ đến một câu của Ben Jonson: ‘Tôi nay chỉ là một quý ông nghèo khó, một người lính; trong những ngày sung túc hơn từng khinh thị gia cảnh bần hàn ấy.’”

“Vậy sao?” Strike vui vẻ đáp lại, nhét tiền ngược vào túi. “Tôi thì cứ nghĩ đến sicine subrepsti mi, atque intestina pururens ei misero eripuisti omnia nostra bona? Eripuisti, eheu, nostrae crudele uenenum Uitae, eheu nostrae pestis amicitiae.”

Hắn không cười, nhìn vẻ sửng sốt trên gương mặt Fancourt. Ông nhà văn nhanh chóng trấn tĩnh lại.

“Ovid?”

“Catullus,” Strike sửa, vịn tay vào bàn rồi nhấc người lên khỏi chiếc ghế đệm thấp. “Tạm dịch là:

Vậy là chính ngươi đã lần đến bên ta

Rồi moi sạch ruột gan, uống cạn đời ta

Than ôi, máu ta chảy thành độc dược

Bằng hữu ngày nào, sao nỡ hại ta.

“Tôi nghĩ sẽ còn gặp ông nữa,” Strike vui vẻ nói. Hắn tập tễnh đi về phía cầu thang. Fancourt vẫn dán mắt lên lưng hắn.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.