Con tằm

23


Người ấy nào có tâm hắc ám
Nào dám xuống tay chuyện độc tàn.

John Webster
The White Devil

Đầu gối hắn vẫn chưa đỡ sưng sau nguyên một buổi chiều trong quán gác chân lên ghế. Trên đường ra trạm tàu, hắn mua thuốc giảm đau và một chai vang đỏ rẻ tiền, rồi đáp tàu đi Greenwich, nơi có nhà của vợ chồng Anstis và Helen (tức Helly). Cuốc tàu đến Ashburnham Grove mất hơn một tiếng đồng hồ. Tuyến Central hôm đó lại bị hoãn. Hắn đứng suốt chuyến đi, trọng tâm cơ thể dồn hết lên chân trái, vẫn còn tiếc đứt ruột hơn trăm bảng tiền hai cuốc taxi đến nhà Lucy hôm trước.

Khi hắn xuống tàu, mưa lấm tấm rơi, hắt lên mặt. Hắn bẻ cổ áo lên, đi cà nhắc trong bóng tối. Cuộc đi bộ tưởng chỉ có năm phút mà lại thành mười lăm phút.

Cho đến khi rẽ vào khu phố với những dãy nhà ngay ngắn và vườn trước tinh tươm, Strike mới sực nhớ ra mình đã đi tay không, chẳng quà cáp gì cho thằng con đỡ đầu. Hắn không hào hứng gì với mấy màn xã giao sắp đến, chỉ mong tới lúc nói chuyện pháp y với Anstis.

Strike không ưa nổi vợ của Anstis. Cô này thảo mai ngọt ngào nhưng lại vô cùng tọc mạch, cứ như sát thủ lấp ló dao sắc dưới áo choàng lông. Mỗi lần hắn xuất hiện, cô ta lại tỏ vẻ biết ơn, vồ vập thăm hỏi. Nhưng hắn thấy rõ cô ta chỉ lăm lăm hỏi chuyện đời tư rắc rối của hắn, chuyện ông già siêu sao nhạc rock, chuyện bà mẹ quá cố nghiệp ngập. Hắn đoán hẳn cô ta đang tò mò chuyện hắn và Charlotte mới chia tay. Xưa nay cô ta luôn tỏ vẻ thân thiện quá mức với Charlotte, nhưng vẫn không che giấu nổi sự nghi kị và ganh ghét.

Strike vẫn còn nhớ tiệc rửa tội của Timothy Cormoran Anstis. Thằng bé mười tám tháng mới được rửa tội, vì phải chờ cha ruột và cha đỡ đầu xuất viện, rồi đáp máy bay về từ Afghanistan. Hôm đó Helly hơi ngà ngà say, nghẹn ngào phát biểu một bài vô cùng dài dòng. Cô ta kể chuyện Strike đã cứu mạng cha của con cô ta ra sao, rồi cô ta xúc động thế nào khi hắn nhận lời làm thiên thần hộ mạng cho Timmy. Thực ra Strike không biết viện cớ gì để từ chối vụ đỡ đầu. Hắn đứng đó, tập trung nhìn vào khăn trải bàn, cố tránh ánh mắt của Charlotte, sợ cô sẽ làm hắn bật cười. Hắn còn nhớ rõ hôm đó Charlotte mặc đầm vải đắp chéo màu xanh lông công (bộ hắn thích nhất). Bộ đầm vừa vặn từng ly, ôm lấy thân hình hoàn hảo. Khi đó hắn chưa lắp chân giả được, vẫn còn chống nạng, người đẹp trong tay đứng đỡ một bên. Hẳn ai gặp hắn lúc đó cũng nghĩ, từ chỗ là thằng xi cà que, nhờ có Charlotte mà hắn có giá hẳn. Vị hôn thê ngày xưa của hắn đẹp đến nỗi mỗi khi cô ta bước vào phòng thì hết thảy đàn ông há hốc miệng, không nói năng gì được.

“Trời đất, Cormy đây sao,” Helly ra mở cửa, véo von. “Người nổi tiếng có khác… cứ tưởng anh quên tụi này rồi chứ.”

Trừ Helly, chẳng có ai gọi hắn là Cormy. Hắn cũng chẳng thèm phản đối.

Sau đó Helly dịu dàng ôm chầm lấy hắn một cái, mặc dù hắn không hề khuyến khích. Như thể cô ta thấy thương hại vì hắn lại vừa đơn chiếc. Trong nhà ấm áp sáng sủa, ngược hẳn với đêm đông khắc nghiệt ngoài kia. Vừa thoát khỏi vòng tay Helly, hắn mừng rỡ thấy Anstis xuất hiện, tay cầm sẵn một vại bia Doom Bar.

“Ritchie à, để anh ấy vào trong rồi hẵng uống. Thiệt tình…”

Nhưng Strike đã kịp cầm lấy vại bia, làm luôn vài ngụm trước khi cởi áo khoác.

Con trai đỡ đầu ba tuổi rưỡi của Strike chạy xộc vào phòng, miệng giả tiếng động cơ gầm rú. Thằng nhỏ giống hệt mẹ, các nét cũng xinh nhưng túm tụm lại ngay giữa gương mặt, trông buồn cười. Timothy diện bộ pyjamas có hình siêu nhân, tay cầm cây kiếm nhựa quẹt khắp tường.

“Trời, Timmy cưng à, đừng nghịch vậy, tường mới sơn mà… Nó không chịu đi ngủ, để chờ gặp chú Cormoran đó. Tụi tôi kể chuyện anh cho nó nghe suốt,” Helly thêm vào.

Strike ngắm thằng nhóc con, chẳng thấy hào hứng gì, mà thằng bé dường như cũng thấy thế. Timothy có lẽ là đứa trẻ duy nhất mà Strike nhớ nổi ngày sinh nhật, nhưng hắn chưa bao giờ mua quà cho thằng bé. Timothy sinh ra đúng ra hai ngày trước khi chiếc xe tăng Viking phát nổ trên con đường lầm bụi ở Afghanistan, lấy đi cẳng chân phải của Strike và một phần gương mặt của Anstis.

Strike chưa bao giờ tâm sự với ai chuyện hắn đã từng nằm trằn trọc trong bệnh viện mà cố nghĩ vì sao ngay lúc đó hắn chụp lấy Anstis kéo ra đằng sau xe. Hắn cứ nghĩ mãi: hoàn cảnh kỳ lạ lúc đó, cảm giác gần như chắc chắn là cả đám sẽ bị nổ tung, rồi hắn chồm ra trước chụp lấy Anstis, trong khi hắn đã có thể chụp lấy Trung sĩ Gary Topley.

Phải chăng vì hôm trước đó hắn thấy Anstis nói chuyện qua Skype với Helen gần cả ngày trời? Anstis đã mê mải ngắm cậu con trai trên màn hình, đứa con mà có khi anh ta đã không bao giờ gặp mặt? Phải chăng vì thế mà Strike đã không chần chừ, chụp lấy ngay người đồng đội lớn tuổi hơn – viên cảnh sát kiêm sĩ quan dự bị Richard Anstis, mà không phải là Topley Tóc đỏ, đã đính hôn nhưng chưa con cái gì? Strike không hiểu nổi. Hắn vốn không thiết tha gì với trẻ con, lại chẳng ưa gì cô vợ mà hắn đã cứu khỏi cảnh góa bụa. Hắn chỉ biết mình là một trong hàng triệu người lính, còn sống cũng như đã ngã xuống. Với người lính, những hành động trong tích tắc, có khi chỉ là bản năng chứ không hẳn được rèn luyện, lại có thể thay đổi vận mệnh của người khác mãi mãi.

“Anh có muốn đọc truyện cho Tim nghe không Cormy? Mình mới mua sách nè, đúng không Timmy?”

Strike chẳng muốn đọc điếc gì cả, nhất là nếu thằng nhỏ hiếu động lại ngồi vào lòng hắn, không chừng đá chân trúng đầu gối phải của hắn thì xong.

Anstis đi trước, vào phòng ăn thông với nhà bếp. Tường sơn màu kem, sàn ván gỗ không lót thảm, cuối phòng có kê một bàn dài bằng gỗ gần cửa sổ sát mặt đất, mở ra ban công, quanh bàn sắp ghế bọc vải đen. Strike mơ hồ nhớ vải bọc ghế có màu khác khi hắn đến đây cùng Charlotte. Helly xộc vào, đặt vào tay Strike một cuốn sách màu sắc sặc sỡ. Không còn lựa chọn nào khác, hắn ngồi xuống bàn ăn, thằng con đỡ đầu ngồi cạnh, bắt đầu đọc câu chuyện Kyla, chú Kangaroo thích lộn nhào, sách của nhà xuất bản Roper Chard (thông thường có lẽ hắn cũng chẳng để ý chi tiết đó làm gì). Timothy dường như chẳng quan tâm mấy đến những trò nghịch của Kyla, chỉ mãi ngọ nguậy thanh kiếm đồ chơi.

“Tới giờ đi ngủ rồi Timmy, hôn chú Cormy một cái nào,” Helly nói với thằng nhỏ. Strike chưa kịp nói gì thì nó đã tụt xuống, chạy ra khỏi bếp la hét ỏm tỏi. Helly chạy theo sau. Hai mẹ con thi nhau lớn giọng, rồi tiếng la hét yếu đi khi cả hai thình thịch bước lên cầu thang.

“Nó đánh thức con bé Tilly mất,” Anstis đoán. Y chóc. Helly quay lại, trong tay là đứa bé một tuổi đang khóc inh ỏi. Cô ta đặt nó vào tay Anstis rồi quay ra bếp.

Strike làm thinh ngồi ở bàn ăn, càng lúc càng đói. Nhìn hai đứa nhóc hắn thấy mừng là mình không có con cái gì. Gần bốn mươi lăm phút sau Helly mới dỗ được Tilly ngủ trở lại. Cuối cùng nồi thịt hầm được mang ra, thêm một vại Doom Bar nữa. Strike chưa kịp thở phào thì nhận ra Helly Anstis đang chuẩn bị ra đòn.

“Tôi tiếc chuyện anh với Charlotte quá à,” Helly bắt đầu.

Miệng đầy thức ăn, hắn ậm ừ cảm ơn qua loa.

“Ritchie!” Helly điệu đà thốt lên khi ông chồng sắp rót rượu cho cô ta. “Giỡn sao! Timothy sắp có em nữa à,” cô ta khoe với Strike, một tay đặt lên bụng.

Hắn nuốt ực.

“Chúc mừng hai người,” hắn nói, thấy kinh ngạc, không hiểu tại sao cả hai lại có vẻ hớn hở trước viễn cảnh thêm một Timothy hay Tilly nữa.

Vừa lúc đó, cứ như được nhắc tuồng, thằng oắt con xuất hiện, kêu là đói bụng. Strike chưng hửng khi thấy lần này Anstis là người rời khỏi bàn đi xử thằng nhỏ, để Helly ngồi đó, vừa cầm nĩa ăn món bò hầm rượu vang đỏ boeuf bourguinon, vừa nhìn hắn soi mói.

“Vậy là ngày bốn này cô ấy đám cưới. Trời, tôi không biết anh đang thấy sao nữa.”

“Ai đám cưới?” Strike hỏi.

Helly ngạc nhiên.

“Charlotte,” Từ phía cầu thang vọng lại tiếng thằng nhóc khóc ăng ẳng. “Đám cưới ngày bốn tháng mười hai,” Helly kể, cô ta nhận ra mình là người đầu tiên báo tin này cho Strike, chưa kịp khoái chí thì đã thấy sờ sợ khi bắt gặp vẻ mặt của hắn.

“Tôi… tôi nghe nói thôi,” Helly tiếp, cúi nhìn xuống đĩa ăn, vừa lúc Anstis trở lại.

“Thằng quỷ con,” ông chồng kể. “Mới dọa là sẽ cho ăn đòn nếu dám bò ra khỏi giường lần nữa.”

“Nó đang vui mà,” Helly nói, vẫn còn bối rối trước vẻ mặt giận dữ của Strike. “Vì chú Cormy đang ở đây.”

Món thịt bò trong miệng hắn giờ không khác gì cao su lẫn xốp. Làm sao Helly Anstis biết được chuyện Charlotte sắp đám cưới? Hai vợ chồng Anstis không hề giao du với những người như Charlotte hay tay chồng sắp cưới kia – con trai của Tử tước xứ Croy đời thứ mười bốn. (Strike thấy tởm chính mình, tự dưng đi nhớ tước hiệu của thằng khốn đó). Helly Anstis thì biết gì về cái thế giới của những câu lạc bộ quý ông, những hiệu may danh giá trên phố Saville Row, các cô siêu mẫu nghiện ngập mà Ngài Jago Ross vẫn thường qua lại trong suốt cuộc đời sung túc, sống bằng quỹ thừa kế ấy? Helly chẳng biết gì hơn Strike cả. Nhưng với Charlotte, thế giới ấy mới là lãnh địa tự nhiên. Khi hai người còn bên nhau, Charlotte đã chạy khỏi nơi đó, lạc lõng cùng Strike ở một chốn lưng chừng. Cả hai đều không thể hòa nhập với khoảng trời riêng của người kia, hai thứ lề thói trái ngược liên tục mâu thuẫn với nhau, khiến họ luôn chật vật tìm tiếng nói chung.

Timothy quay lại bếp, khóc lóc ầm ĩ. Lần này cả cha lẫn mẹ đứng dậy, cùng đưa nó trở về phòng ngủ. Strike ngồi đó, gần như không để ý hai người đã bỏ đi. Kỷ niệm miên man ùa về.

Charlotte là người bốc đồng, đến nỗi cha dượng của cô còn có lần tìm cách đưa cô nhập viện tâm thần. Cô nói dối như người ta hít thở, một tâm hồn đầy tổn thương sâu kín. Lần lâu nhất Strike và Charlotte sống với nhau là hai năm, vậy mà lòng tin càng sứt mẻ thì họ lại càng bị cuốn vào nhau, mỗi lần (như hắn cảm thấy), lại mong manh hơn trước đó, nhưng càng tha thiết. Trong vòng mười sáu năm, trước thái độ sửng sốt, khinh bỉ của gia đình và bạn bè, Charlotte cứ trở đi trở lại với Strike, một anh lính quèn to xác, thân phận con hoang, rồi về sau lại tàn tật. Nếu được, Strike chỉ muốn cắt đứt, không vương vấn gì nữa. Nhưng với hắn, Charlotte như một thứ virus đã ăn vào máu, không thể nào loại trừ. Cùng lắm hắn chỉ có thể kiểm soát triệu chứng mà thôi. Cách đây tám tháng hai người chia tay lần cuối, ngay trước khi hắn có chút danh tiếng từ vụ Landry. Charlotte đã nói dối hắn một chuyện không thể tha thứ. Hắn đành dứt áo ra đi. Sau khi chia tay, Charlotte lui vào cái thế giới của các quý ông đi săn gà rừng và các quý bà thừa kế vương miện cất trong hầm bí mật. Cô từng nói với hắn rằng cô khinh bỉ cái thế giới ấy (mặc dù có lẽ đó cũng là một lời nói dối nữa…)

Hai vợ chồng Anstis quay lại, không có Timothy nhưng Tilly thế chỗ, vừa nức nở vừa nấc cụt.

“Nhìn cảnh này chắc anh mừng là không có con cái gì hả?” Helly vồn vã nói, ngồi xuống ghế, Tilly đặt trên đùi. Strike nhe răng gượng gạo, không đáp trả.

Hắn đã từng có một đứa con; đúng ra là bóng ma, là lời hứa về một đứa con, rồi dường như sau đó lại là cái chết của đứa con ấy. Charlotte nói với Strike rằng cô ta có thai, nhưng từ chối đi gặp bác sĩ, liên tục thay đổi ngày tháng tính toán, rồi tuyên bố là chẳng còn gì nữa, mặc dù không hề có bằng chứng là đứa bé từng tồn tại. Với đa số đàn ông, lời nói dối ấy khó có thể tha thứ. Strike cũng thế, mà chắc hẳn Charlotte cũng hiểu điều đó. Lời nói dối ấy đã đặt dấu chấm hết cho mọi dối trá, bóp chết chút niềm tin ít ỏi còn sót lại sau bao năm tháng gian dối cuồng loạn của Charlotte.

Đám cưới ngày bốn tháng mười hai, tức là chỉ còn mười một ngày nữa… Helly Anstis làm thế nào mà biết?

Giờ đây hắn mừng thầm khi hai đứa nhỏ liên tục khóc lóc, phá bĩnh cuộc trò chuyện của ba người lớn, giữa món tráng miệng bánh flan cây đại hoàng và kem trứng. Hắn thấy nhẹ cả người khi Anstis đề nghị bọn hắn mang bia vào thư phòng, luôn tiện nói chuyện báo cáo pháp y. Đợi mãi mới nghe được một câu hay ho. Cả hai để Helly ngồi đó, dường như vẫn còn ấm ức vì chưa tọc mạch cho thỏa. Helly tiếp tục đối phó với Tilly buồn ngủ díp cả mắt còn Timothy thì tỉnh như sáo, lại vừa chạy vào khoe đã đổ nước uống ra giường.

Thư phòng của Anstis nhỏ bé, nằm một bên sảnh, trong phòng đầy sách. Anstis mời Strike ngồi ghế ở bàn máy tính, còn anh ta ngồi trên chiếc giường xếp cũ. Cửa sổ không kéo màn. Bên ngoài cửa mưa rơi như phủ một lớp bụi trong ánh cam đèn đường.

“Pháp y nói là vụ này khó nhất từ trước đến giờ,” Anstis bắt đầu. Strike chăm chú lắng nghe. “Nói luôn là mấy chuyện này chưa có gì chính thức, tụi tao vẫn chưa có hết kết quả.”

“Đã biết nguyên nhân chết chưa?”

“Bị giáng một cú vào đầu,” Anstis đáp. “Phần sọ phía sau lõm vào. Có thể là không chết ngay nhưng mà chấn thương sọ não như vậy cũng đủ giết nạn nhân. Pháp y không chắc là nạn nhân đã chết khi bị mổ bụng, nhưng nhiều khả năng lúc đó đã bất tỉnh.”

“Coi như còn chút phước đức. Có biết được nạn nhân bị trói trước hay bị đánh trước không?”

“Vẫn còn tranh cãi chỗ đó. Chỗ da cổ tay dưới dây trói bị trầy xước, nên có khả năng là nạn nhân bị trói lại rồi mới bị giết. Nhưng không có gì cho thấy nạn nhân vẫn còn tỉnh táo khi bị trói. Vấn đề là acid xóa sạch mọi dấu vết trên sàn nhà, không thể luận ra là nạn nhân đã vùng vẫy hay bị kéo đi ra sao. Nạn nhân lại to con, đẫy đà…”

“Nếu đã bị trói thì có lẽ dễ ra tay hơn,” Strike đồng ý, nghĩ đến Leonora gầy gò, thấp bé, “nhưng nếu biết thêm được góc ra đòn thì cũng tốt.”

“Từ ngay phía trên,” Anstis trả lời, “nhưng vẫn không biết lúc bị đánh thì nạn nhân ở tư thế đứng, ngồi hay quì gối…”

“Tao nghĩ có thể giả định nạn nhân bị giết ngay trong phòng,” Strike nói, lần theo suy luận riêng. “Tao không nghĩ ra có ai khỏe đến nổi khiêng được ông ta lên cầu thang.”

“Kết luận hiện giờ là nạn nhân chết ngay ở vị trí tìm ra thi thể. Chỗ đó cũng có nhiều acid nhất.”

“Mày có biết acid gì không?”

“Ủa, tao chưa nói sao, acid hydrochloric.”

Strike cố nhớ lại kiến thức hóa học phổ thông. “Chẳng phải người ta dùng thứ đó để mạ thép sao?”

“Nhiều công dụng khác nữa. Thứ đó là hóa chất ăn mòn mạnh nhất có thể mua được trên thị trường, dùng nhiều trong sản xuất công nghiệp. Cả dùng làm chất tẩy rửa cực mạnh nữa. Có cái lạ là thứ này có sẵn trong cơ thể người. Cụ thể là trong dịch vị.” Strike nhấp bia, nghĩ ngợi.

“Trong sách Bombyx bị đổ dầu vitriol lên người.”

“Dầu vitriol là acid sulphuric, còn acid hydrocloric thì được sản xuất từ đó ra. Ăn mòn da thịt kinh khủng, mày đã thấy đó.”

“Sát thủ lấy đâu ra thứ đó vậy?”

“Tin nổi không, hình như đã có sẵn trong nhà rồi.”

“Làm quái gì…?”

“Vẫn chưa tìm ra manh mối gì cả. Nhưng trong bếp còn vài thùng loại bốn lít rưỡi đã cạn sạch, còn có cả mấy thùng cùng loại cất trong tủ dưới cầu thang, nguyên đai nguyên kiện. Xuất xứ từ một công ty hóa chất công nghiệp ở Birmingham. Trên mấy thùng rỗng có dấu vết như dấu tay đeo găng.”

“Hay đấy,” Strike nói, gãi cằm.

“Tụi tao vẫn đang kiểm tra xem mấy thùng đó được mua khi nào, mua kiểu gì.”

“Còn hung khí giáng vào đầu của nạn nhân?”

“Trong studio có một thanh chặn cửa kiểu cũ, bằng sắt nguyên khối có cán. Nhiều khả năng là cái đó. Khớp với vết lõm trên sọ nạn nhân. Hung khí cũng bị rưới đầy acid hydrocloric, như hết thảy mọi thứ chung quanh.”

“Còn thời điểm chết thì sao?”

“À, khó ở chỗ đó. Chuyên gia ký sinh trùng không chịu nhận định dứt khoát, nói là tình trạng thi thể như vậy không cách gì tính được. Chỉ riêng hơi acid cũng khiến ruồi nhặng tránh xa, vậy nên không thể dựa vào quá trình ký sinh để tính thời điểm chết được. Ruồi nhặng nào lại đi đẻ trứng vào acid. Có tìm ra một hai con giòi gì đó ở một điểm trên thi thể không dính acid, nhưng không hề có quá trình ký sinh tự nhiên.

“Với cả, hệ thống sưởi trong nhà được vặn lớn, vậy nên thi thể bị thối rữa nhanh hơn thông thường, nhất là trong trời lạnh như thế này. Nhưng rõ là acid có ảnh hưởng tới quá trình phân hủy. Nhiều phần xác bị đốt cháy tới tận xương.

“Nhân tố quyết định ở đây thường là bộ ruột, từ đó xác định bữa ăn cuối cùng chẳng hạn, nhưng nạn nhân đã bị moi sạch ruột. Có vẻ như thủ phạm đã mang đi luôn,” Antis nói. “Tao chưa bao giờ thấy vụ nào như vậy, mày thì sao? Cả mấy cân ruột sống bị cuỗm đi.”

“Không,” Strike nói, “tao cũng chưa gặp bao giờ.”

“Tóm lại: bên pháp y không chịu nhận định dứt khoát về thời điểm chết, chỉ nói là chết ít nhất là mười ngày rồi. Nhưng tao có nói chuyện với tay Underhill, khá nhất trong đám đó. Tay này nói riêng với tao, không chính thức, rằng Quine chết cũng phải được hai tuần rồi. Underhill cũng nói là ngay cả khi có hết các kết quả xét nghiệm thì chứng cứ hiện trường vẫn khá có lợi cho luật sư bào chữa.”

“Còn về mặt dược lý thì sao?” Strike hỏi, vẫn mải nghĩ về tướng tá bệ vệ của Quine, dễ gì mà xoay xở với cái xác cỡ vậy.

“À, có lẽ là nạn nhân đã bị đánh thuốc,” Anstis đáp. “Vẫn chưa có kết quả xét nghiệm máu, tụi tao cũng lấy mẫu phân tích mấy cái chai trong bếp. Nhưng” – Anstis uống cạn bia rồi đặt cốc xuống, ra vẻ màu mè – “còn có một khả năng nữa, cách này thuận lợi cho thủ phạm. Quine rất thích bị trói, kiểu mấy trò chơi giường chiếu.”

“Làm sao mày biết vụ đó?”

“Từ cô bồ của Quine,” Antis kể. “Kathryn Kent đó.”

“Mày nói chuyện với chị ta rồi sao?”

“Rồi,” Anstis đáp. “Tụi tao tìm ra một tay tài xế taxi đón Quine lúc chín giờ tối ngày mùng năm, đón chỉ cách nhà ông ta vài con phố, rồi thả xuống phố Lillie.”

“Tức là ngay cạnh chung cư Stafford Cripps House chỗ Kathryn Kent ở,” Strike nói. “Vậy là ông ta đi thẳng từ nhà mình đến nhà bồ?”

“À không, không phải. Kent không có nhà, khi đó đang đi chăm bà chị ốm gần chết, có bằng chứng tối hôm đó chị ta ở lại bệnh viện. Chị ta nói là chưa gặp Quine cả tháng rồi, nhưng lúc kể chuyện giường chiếu thì nhiệt tình lắm.”

“Mày hỏi chi tiết à?”

“Hình như chị ta tưởng là tụi tao đã biết khá nhiều. Chắc vậy mà cứ phun hết ra, không cần khảo tra gì cả.”

“Hay thật,” Strike nói. “Chị ta nói với tao là chưa bao giờ đọc Bombyx Mori…”

“Cũng khai y vậy với tụi tao.”

“… nhưng trong truyện nhân vật của Kathryn trói nhân vật chính lại để tra tấn. Có lẽ chị ta muốn nói rõ là mình chỉ thích trói để làm tình thôi, chứ không đấm đá giết chóc gì cả. Còn bản thảo mà Leonora nói là Quine mang theo thì sao? Sách vở, rồi ruy băng máy đánh chữ? Có tìm được gì không?”

“Chẳng có gì hết,” Anstis đáp. “Trừ khi biết được là Quine có đến nơi nào khác trước khi đến phố Talgarth thì tụi tao phải giả định là hung thủ đã mang đi hết. Căn nhà trống trơn, chỉ có chút ít đồ ăn thức uống trong bếp, trong một phòng ngủ có nệm cắm trại và túi ngủ. Có vẻ như Quine đã ngủ tạm ở đó. Phòng đó cũng bị tưới đầy acid, đẫm cả nệm.”

“Không có vân tay? Dấu chân? Bùn đất hay lông tóc gì bất thường?”

“Không có gì cả. Bên pháp y vẫn còn ở đó, nhưng acid tẩy trôi hết mọi dấu vết. Người của tụi tao phải đeo mặt nạ. Ngửi hơi acid không cũng muốn rách cả cổ.”

“Ngoài tài xế taxi còn ai khai đã nhìn thấy Quine sau hôm đó không?”

“Không ai thấy ông ấy vào nhà ở phố Talgarth nhưng bà hàng xóm ở số 183 cứ thề thốt là có nhìn thấy Quine bước ra từ đó lúc một giờ sáng. Tức là tờ mờ sáng ngày mùng sáu. Lúc đó bà ta mới đi tiệc pháo hoa về.”

“Trời tối om, bà ta ở cách đó hai căn, vậy nên trên thực tế bà ta chỉ thấy…?”

“Bóng một người cao lớn mặc áo choàng, xách theo túi đi đường.”

“Túi đi đường,” Strike đáp.

“Đúng thế,”

“Vậy người mặc áo choàng đó có bước vào xe hơi không?”

“Không, chỉ đi khỏi tầm mắt nhưng rất có thể là xe đã đậu sẵn ở góc đường.”

“Còn ai nữa không?”

“Còn một ông già ở Putney, thề thốt là có gặp Quine ngày mùng tám. Ông này gọi cho đồn cảnh sát phường, mô tả chính xác luôn.”

“Quine làm gì ở đó vậy?”

“Mua sách ở hiệu Bridlington, chỗ ông già đó.”

“Nhân chứng này có đáng tin không?”

“Thì cũng già rồi, nhưng nói là nhớ rõ Quine mua gì, với mô tả cũng khá tốt. À, có thêm một bà ở căn hộ đối diện hiện trường, nói là có thấy Michael Fancourt đi ngang qua nhà, cũng trong buổi sáng ngày mùng tám. Mày biết cha đó không, cha nhà văn đầu bự đó? Nổi tiếng lắm?”

“Có biết,” Strike chậm rãi đáp.

“Nhân chứng nói là bà ta ngoái lại nhìn Fancourt vì nhận ra ông này.”

“Ông ta chỉ đi ngang vậy thôi sao?”

“Thì bà ta nói vậy.”

“Có ai kiểm chứng với Fancourt chưa?”

“Ông ấy đang ở Đức, nhưng nói là sẵn lòng hợp tác với cảnh sát khi về Anh. Người đại diện tác giả có vẻ rất sốt sắng nhiệt tình.”

“Còn có gì đáng nghi quanh khu Talgarth không? Có camera nào không?”

“Chỉ có một cái duy nhất, lại không hướng về căn nhà mà quay cảnh đường sá – nhưng tao vẫn để dành đó. Còn có một ông hàng xóm khác nữa, ở bên kia đường cách bốn căn. Ông này khăng khăng là có thấy một bà mập mặc áo choàng burqa kín mít cả người. Bà này đi vào nhà Quine trong buổi chiều ngày mùng bốn, có xách theo một túi ni lông đựng đồ ăn halal của người Hồi giáo. Ông ta nói là mình để ý, thấy lạ, vì căn nhà từ lâu đã bỏ hoang. Ông ta nói bà kia đi vào nhà đâu khoảng một tiếng đồng hồ, rồi đi ra.”

“Ông ấy có chắc là người này vào nhà Quine không?”

“Thì ông ta khai vậy.”

“Bà này có chìa khóa sao?”

“Có, theo như lời ông ta kể.”

“Áo choàng burqa,” Strike lặp lại. “Quái thật.”

“Tao cũng không tin tưởng thị lực của ông này lắm; mang kính dày cộm. Còn kể thêm là vì xưa giờ không thấy có người Hồi giáo ở khu đó, vậy nên mới để ý.”

“Vậy là ở đây có hai trường hợp nhìn thấy Quine kể từ khi ông ta bỏ vợ con ra đi: sáng sớm ngày sáu ở Talgarth và sáng ngày tám ở Putney.”

“Đúng vậy”, Anstis đáp, “nhưng tao thấy cả hai đều không ăn thua, Bob à,”

“Mày nghĩ Quine chết ngay trong đêm bỏ nhà đi,” Strike nói, khẳng định hơn là hỏi. Anstis gật đầu.

“Underhill cũng nghĩ vậy.”

“Không có dấu vết gì của con dao sao?”

“Không có gì cả. Con dao duy nhất trong bếp rất cùn, kiểu dao dùng hằng ngày. Không cách gì làm vụ kia được.”

“Vậy tới giờ thì đã biết ai có chìa khóa nhà Quine?”

“Thân chủ của mày,” Anstis đáp, “đương nhiên rồi. Quine chắc cũng có giữ một cái. Fancourt có hai chìa, theo như lời khai trên điện thoại. Vợ chồng Quine có đưa chìa khóa cho Elizabeth Tassel khi bà này đứng ra lo vụ sửa nhà. Tassel nói là đã trả lại rồi. Một nhà hàng xóm cũng có một chìa, để nếu có chuyện gì thì chạy qua ngay được.”

“Lúc bắt đầu có mùi, hàng xóm không chạy qua xem sao?”

“Hàng xóm nhà bên kia có tuồn giấy qua khe cửa, càm ràm chuyện mùi hôi, nhưng còn tay hàng xóm có chìa khóa thì hai tuần trước đã đi New Zealand. Tụi tao có nói chuyện với tay này trên điện thoại. Lần cuối cùng anh ta vào nhà Quine là hồi tháng Năm, giúp chuyển bưu kiện vào nhà, đặt ở phòng khách. Khi đó có thợ sửa nhà. Bà Quine có vẻ rất mơ hồ, không nhớ có cho ai mượn chìa khóa không.”

“Quine phu nhân hơi kỳ lạ,” Anstis tiếp tục trơn tru, “mày có thấy vậy không?”

“Tao không để ý,” Strike nói dối.

“Mày biết chuyện hàng xóm nghe thấy bà ta hò hét đuổi theo ông chồng, ngay đêm ông ta bỏ đi không?”

“Tao không biết.”

“Có vụ đó. Bà ta chạy ra khỏi nhà theo sau ông chồng, la hét om sòm. Hàng xóm ai cũng kể” – Anstis quan sát Strike thật kỹ lưỡng – “Họ kể là bà ta hét lên ‘Tôi biết ông đi đâu rồi, Owen à!’”

“À thì lúc đó bà ta nghĩ là mình biết,” Strike nhún vai. “Leonora tưởng Quine đi tới chỗ nghỉ mát dành cho nhà văn mà Christian Fisher đã giới thiệu. Bigley Hall.”

“Tới giờ mà bà ta vẫn không chịu dọn ra khỏi nhà.”

“Leonora có con gái bị thiểu năng trí tuệ, chưa bao giờ ngủ ở nơi nào khác. Mày có tưởng tượng nổi cảnh Leonora mà khống chế được Quine không?”

“Không,” Anstis đáp, “nhưng còn vụ ông ta thích bị trói khi làm tình thì sao, chẳng lẽ lấy nhau hơn ba mươi năm mà không biết sao?”

“Mày nghĩ hai người đang cãi nhau, rồi bà ta đi tìm ông chồng, rồi rủ chơi trò đó hay sao?”

Anstis khẽ cười cho có lệ, rồi nói:

“Bà này không ổn tí nào, Bob à. Một người vợ đang lên cơn giận, có chìa khóa vào nhà, có thể đọc được bản thảo từ sớm, rất nhiều động cơ nếu biết thêm vụ bồ bịch, nhất là khi biết đâu Quine đang có ý định bỏ vợ con để chạy theo Kent. Chi tiết ‘Tôi biết ông đi đâu rồi’ – chỉ có mỗi bà ta tự giải thích ý mình là định nói tới chỗ nghỉ mát của nhà văn, chứ không phải đến căn nhà trên phố Talgarth.”

“Mày nói vậy cũng hợp lý,” Strike đáp.

“Nhưng rõ là mày không nghĩ vậy.”

“Bà ta là thân chủ của tao,” Strike đáp. “Trả tiền cho tao để nghĩ khác.”

“Vậy bà ta kể với mày là đã từng làm việc ở đâu chưa?” Anstis hỏi, điệu bộ như người vừa chuẩn bị hạ lá bài chủ. “Hồi còn ở Hay-on-Wye đó, trước khi hai người lấy nhau?”

“Nói đi,” Strike đáp. Thực tâm hắn đang lo lắng.

“Phụ việc trong hàng thịt của ông chú,” Anstis đáp.

Bên ngoài thư phòng Strike nghe tiếng chân Timothy Cormoran Anstis chạy thình thịch xuống cầu thang, la hét inh ỏi, lại với một lý do khác. Lần đầu tiên hắn thấy tội nghiệp thằng nhỏ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.